Chỉ thị của Thủ tướng về đấu tranh với hành vi xâm hại động vật hoang dã

23/12/24
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển trái phép quốc tế các loài hoang dã. Tuy vậy, một số địa phương hoạt động chế tác và bày bán các sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi và sừng tê giác còn diễn biến phức tạp, thách thức nỗ lực thực thi pháp luật.

Để ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền,… và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp để xảy ra vi phạm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra các vi phạm tại địa bàn do mình quản lý.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường thực hiện các chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác và ngà voi trong thị trường nội địa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cơ quan quản lý CITES tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã tăng cường công tác hợp tác trong chia sẻ thông tin, điều tra, bắt giữ, xử lý các hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đặc biệt là ngà voi và sừng tê giác; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các chiến dịch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đến mọi tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vi phạm hành chính tập trung rà soát các vụ việc vi phạm liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, sử dụng trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, mẫu vật hổ khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc theo quy định của pháp luật hiện hành và công khai trước công luận kết quả xử lý.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tích cực tham gia thực hiện các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đề xuất các giải pháp quản lý Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền...

Nguồn: Báo Thanh Niên Thứ Bảy, 17/9/2016 21:48 GMT+7