Trước đó, ngày 9-7-2015, cơ quan chức năng huyện Thường Tín cũng đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Ngọc Trìu, sinh năm 1986, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình có dấu hiệu cất trữ sản phẩm ngà voi, tịch thu tang vật là 2 mảnh ngà voi trọng lượng 0,56kg…
Kết quả khảo sát chuyên sâu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại 83 cơ sở kinh doanh thủ công mỹ nghệ ở làng nghề Nhị Khê đã ghi nhận 52/83 trường hợp (khoảng 63%) cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Trung tâm này đã gửi công văn đến UBND TP Hà Nội đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.
Tăng cường biện pháp tuyên truyền, quản lý
Trong vai khách du lịch tham quan làng nghề Nhị Khê, chúng tôi thấy hoạt động chế tác đồ thủ công mỹ nghệ ở đây diễn ra khá sôi động. Quan sát trong các cửa hàng, xưởng sản xuất không thấy sản phẩm ngà voi, sừng tê giác được bày bán công khai.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Nguyễn Viết Bình cho biết: Mặt hàng chủ lực sản xuất tại địa phương chủ yếu chế tác từ gỗ, xương động vật… Toàn xã có hơn 400 hộ sản xuất, tập trung tại thôn Nhị Khê, trung bình mỗi năm, làng nghề đem lại nguồn thu nhập cho nhân dân khoảng 200 tỷ đồng. Ông Bình cho biết thêm, trước đây trên địa bàn có xuất hiện một số cá nhân buôn bán ngà voi, nhưng từ khi Nhà nước cấm, nhân dân đã không sản xuất nữa. Nếu có chăng chỉ là buôn bán ngầm, không công khai nên khó phát hiện. UBND xã đã yêu cầu các hộ ký cam kết không buôn bán và sử dụng các vật liệu sản xuất từ ngà voi, sừng tê giác.
Trao đổi với Báo Hànộimới, cơ quan chức năng huyện Thường Tín cho biết, vẫn xảy ra tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm từ ngà voi, nhưng chủ yếu là trung chuyển và hoạt động ngầm. Để tăng cường công tác quản lý, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD và hoạt động chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác. Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Tín Vũ Văn Tuân cho biết, đi đôi với công tác tuyên truyền không buôn bán, vận chuyển, chế tác, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm mỹ nghệ làm từ ngà voi, sừng tê giác, huyện đã chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm Thường Tín, Đội Quản lý thị trường số 30 tăng cường tuần tra, kiểm soát, yêu cầu các hộ sản xuất kinh doanh mỹ nghệ ký cam kết không chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác. Đồng thời, đấu tranh, tố giác, xử lý nghiêm trường hợp sản xuất tại các làng nghề vi phạm pháp luật buôn bán sản phẩm ĐVHD.
Tuy nhiên, do sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên việc kiểm soát nguyên liệu ở các làng nghề chế tác mỹ nghệ ở Thường Tín khá nan giải. Để ngăn chặn hành vi vi phạm, theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, ngoài sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, các ban, ngành, đoàn thể huyện Thường Tín cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân làng nghề; chủ động kiểm tra, xác minh ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, nhất là hoạt động chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác…