Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình: Nơi những cá thể gấu được về với tự nhiên

22/01/25

Tích cực cứu trợ các cá thể gấu ngựa

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình thuộc phân khu cây xanh sinh thái của Công viên động vật hoang dã quốc gia tại địa bàn xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Nằm cách thành phố Ninh Bình khoảng 40km theo trục đường Cúc Phương-Bái Đính, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình nổi bật giữa bạt ngàn cây xanh với hệ thống nhà gấu, khu bán hoang dã, là nơi nhiều cá thể gấu đang được sống với môi trường tích cực.

Gấu ngựa được đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong những trường hợp khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là nạn nhân của việc nuôi nhốt lấy mật hoặc của việc buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Qua khảo sát tại Việt Nam, hiện có hàng trăm cá thể gấu bị nuôi nhốt, ngược đãi trong môi trường hết sức chật hẹp và tồi tàn. Cá biệt, có nhiều cá thể gấu bị lạm dụng chích hút mật dẫn đến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, năm 2016, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt tại Ninh Bình, trực thuộc FOUR PAWS Quốc tế (một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật, có trụ sở chính tại Thủ đô Viên, nước Áo) đã đầu tư xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

[Cứu hộ một cá thể gấu ngựa nuôi nhốt gần 30 năm ở Sơn La]

Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ FOUR PAWS Quốc tế, nhiều cá thể gấu cũng như các động vật hoang dã bị nuôi nhốt trong các điều kiện không phù hợp với tập tính của loài đã được cứu trợ thành công. Trong đó, việc cứu trợ các cá thể gấu ngựa đã đạt được những thành công ngoài mong đợi.

Hiện Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình thực hiện 1 quy trình khép kín bao gồm: nắm thông tin từ phía các cơ quan chức năng, hoặc người dân trình báo - sau đó cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình tới tận nơi để khảo sát, thăm khám sức khỏe của mỗi cá thể gấu để có phương án thích hợp vận chuyển về Cơ sở.

Về tới Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, các cá thể gấu được cách ly 21 ngày. Trong thời gian này, gấu tiếp tục được thăm khám, điều trị bệnh rồi đưa vào 1 trong 3 nhà gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Tại mỗi nhà gấu, hàng ngày các cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đều dọn dẹp vệ sinh và cho gấu ăn. Khẩu phần của mỗi cá thể gấu gồm 4kg thức ăn/ngày chia 3 bữa với các loại rau, củ, quả, trứng luộc, mật ong...

Qua quá trình chăm sóc phục hồi sức khỏe, các cá thể gấu dần thích nghi với môi trường mới, sức khỏe bình phục và tinh thần ổn định.

Ba nhà gấu của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đều sát các khu vực bán hoang dã được rào chắn cẩn thận. Khi ở môi trường mới, các cá thể gấu sẽ quen dần với hiệu lệnh của cán bộ, nhân viên chăm sóc và hòa nhập vào các khu vực bán hoang dã. Như vậy là kết thúc 1 quy trình cứu trợ gấu.

Với mục tiêu hỗ trợ các loài động vật yếu thế một cách nhanh chóng và trực tiếp, cán bộ, nhân viên của Cơ sở đã tìm đến nhiều tỉnh, thành để giải cứu các cá thể gấu bằng sự thuần thục, chuyên nghiệp.

Nâng cao nhận thức của người dân

Quan sát các cá thể gấu tự do đi lại, khám phá và tìm kiếm thức ăn trong khuôn viên bán hoang dã, ít ai biết được các cá thể này đã phải trải qua quãng thời gian dài bị nuôi nhốt và lấy mật.

Co so bao ton gau Ninh Binh: Noi nhung ca the gau duoc ve voi tu nhien hinh anh 2
Nhân viên Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình chuẩn bị thức ăn cho một cá thể gấu. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Là một trong những người gần gũi nhất với những cá thể gấu, chị Đinh Thị Thủy, nhân viên chăm sóc gấu của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình cho biết các cá thể gấu được đưa về đây đều có hoàn cảnh hết sức đáng thương, bị hút mật nhiều năm liền dẫn đến tinh thần hoảng loạn, sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng.

Khi được ở trong môi trường tự nhiên, được sự chăm sóc và cung cấp nguồn dinh dưỡng ổn định, các bạn gấu đã nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường trong môi trường bán hoang dã.

Công việc hàng ngày của chị Thủy là chuẩn bị đồ ăn, các dụng cụ cho ăn, đồ chơi và chăm sóc các bạn gấu. Chị Thủy cho biết "Trong 2 năm làm việc ở đây, tôi thấy phúc lợi dành cho động vật rất tốt. Chúng tôi chọn bí đỏ, dưa chuột, cà rốt gói vào lá chuối, cỏ voi, cành keo rồi treo lên cao hoặc giấu vào những bụi cỏ, bụi cây để gấu tìm ăn giúp chúng thoải mái và cũng gần với điều kiện tự nhiên hơn. Lúc đầu khi mới được cứu hộ về đây, nhiều bạn gấu còn rụt rè, hoảng loạn nhưng sau một thời gian được bác sĩ thú y chăm sóc, các bạn có sự chuyển biến, đỡ căng thẳng hơn, chơi nhiều hơn và bạn nào cũng khỏe hơn."

Là nhân viên làm việc tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình từ những ngày đầu thành lập, chị Tạ Thương, Trưởng Nhóm chăm sóc hiểu rõ hoàn cảnh cũng như quá trình hồi phục, tái hòa nhập môi trường bán hoang dã của từng cá thể gấu.

Chị Thương cho biết, sau thời gian cách ly, các bạn gấu được chuyển lên nhà gấu và sau ít nhất 1 đến 2 tuần hoặc 2 đến 3 tháng tùy thể trạng, tinh thần từng cá thể thì sẽ được cho ra ngoài khu bán hoang dã.

Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình có những tiêu chuẩn về phúc lợi động vật rất cao, có đội ngũ chuyên gia chăm sóc động vật có kinh nghiệm, đây là một trong những thuận lợi của cơ sở.

Khó khăn nhất đối với cán bộ làm công tác cứu hộ và bảo tồn gấu là phải quan sát, tìm hiểu tính cách, hành vi của từng cá thể để đưa ra được phương án chăm sóc phù hợp và hiệu quả nhất để các bạn phục hồi lại được bản năng tự nhiên.

Tại các nhà gấu, mỗi cá thể gấu được ở riêng từng phòng. Nếu thấy các cá thể "hòa thuận" với nhau thì nhân viên sẽ mở cửa ngăn các phòng để các bạn chơi chung. Tại đây, mỗi phòng đều có cửa mở thông ra khu bán hoang dã để các bạn có thể ra vào nhà thoải mái trong khung thời gian quy định.

Chứng kiến những cá thể gấu bị suy sụp cả về sức khỏe lẫn tinh thần khi mới được đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, chị Tạ Thương mong muốn các chủ nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ biết thêm thông tin về các cơ sở bảo tồn, từ đó chuyển giao gấu đến những nơi phù hợp và gấu được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, phù hợp với loài hơn và được đối xử nhân đạo hơn.

Chị Nguyễn Lê Thùy Linh, Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình cho biết, Dự án cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình có tổng diện tích 10 ha được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế về phúc lợi động vật.

Giai đoạn 1, dự án đã hoàn thiện trên diện tích 3,6 ha, với 3 nhà gấu ở, 6 khu bán hoang dã, nhà thú y và nhà bếp gấu, có thể chăm sóc 40 cá thể gấu được đưa về từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Giai đoạn 2, dự án được xây dựng, mở rộng trong năm 2021 năng khả năng chăm sóc khoảng 100 cá thể gấu.

Trong quá trình hoạt động, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và chia sẻ thông tin từ phía chính quyền các địa phương, từ người dân, lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan...

Đây đều là những thông tin quý để cơ sở tiếp cận, giải cứu các bạn gấu bị nuôi nhốt nhiều năm. Việc cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trực tiếp tới thăm khám sức khỏe, triển khai các phương án tiếp nhận, vận chuyển phù hợp các cá thể gấu để chăm sóc, cải thiện cuộc sống của gấu chính là những ví dụ cụ thể, rõ ràng nhất giúp lan tỏa tác động tích cực của công tác bảo tồn động vật.

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình mở cửa hằng ngày để đón du khách tới thăm. Trên cầu quan sát, du khách sẽ được chứng kiến cảnh sinh hoạt của những cá thể gấu ở khu bán hoang dã.

Nhiều bạn nhỏ đến thăm cơ sở bảo tồn gấu tỏ ra rất thích thú khi được trực tiếp ngắm nhìn những chú gấu chơi đùa trong môi trường tự nhiên; được tham gia các chương trình giáo dục trải nghiệm như: "Hướng dẫn bé làm đồ ăn cho gấu," "Em biết gì về gấu."

Có thể nói, việc đưa hình ảnh các cá thể gấu đến gần hơn với du khách là những tác động tích cực nhất trong việc nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo tồn gấu nói riêng và bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam nói chung./.

Nguồn: vietnamplus.vn