Thợ mộc kiêm thêm “nghề” chế tác trang sức từ ngà voi

15/10/24

Viện KSND thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Hữu Tiễn (SN 1983, trú tại xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội) về tội danh “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cảnh sát kiểm đếm số nga voi thu giữ của Nguyễn Hữu Tiễn.
Cảnh sát kiểm đếm số nga voi thu giữ của Nguyễn Hữu Tiễn.

Cáo trạng xác định, khoảng 7h30 ngày 17/8/2018, tổ công tác Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thường Tín kiểm tra hành chính xưởng mộc của Nguyễn Hữu Tiễn. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại nhà xưởng phía sau nhà Tiễn có 1 bao tải dứa đựng 27 đoạn có hình dạng trụ tròn màu trắng ngà, có đặc điểm giống ngà voi, tổng trọng lượng 7kg.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Tiễn, cơ quan chức năng tiếp tục thu giữ được nhiều mẫu vật cùng các sản phẩm mỹ nghệ có đặc điểm tương tự, trọng lượng 85kg.

Kết quả giám định tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận toàn bộ số mẫu vật thu giữ từ nhà và xưởng của Nguyễn Hữu Tiễn đều được chế tác từ ngà voi châu Phi - có tên trong Phụ lục I của Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Hữu Tiễn khai nhận bản thân thường chế tác các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ trang sức từ gỗ và các vật liệu tương tự gỗ. Cuối năm 2017, Tiễn quen một người đàn ông tên Tuấn, quê Thanh Hóa. Biết Tuấn có ngà voi, Tiễn đã mua khoảng 46kg ngà voi với giá 9 triệu đồng/kg về chế tác thành đồ trang sức, mỹ nghệ để bán kiếm lời.

Cũng trong thời gian này, Tiễn nhận gia công, chế tác các sản phẩm từ ngà voi của người đàn ông tên là A Kiểm (quốc tịch Trung Quốc) với giá từ 15-25.000 đồng, tùy sản phẩm hoàn thiện.

Cơ quan tố tụng xác định, Nguyễn Hữu Tiễn đã thu lời được từ việc bán các sản phẩm ngà voi, công chế tác khoảng 30 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng cho rằng, mặc dù biết rõ ngà voi châu Phi là sản phẩm của loài voi có tên trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã, quy định tại các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nhưng vì hám lợi, Nguyễn Hữu Tiễn vẫn mua bán và nhận gia công, chế tác, tàng trữ ngà voi.

Nguồn: Báo Dân trí