Phạt 10 triệu đồng đối tượng nuôi nhốt cá thể khỉ đuôi dài trái phép
Phat 10 trieu dong doi tuong nuoi nhot ca the khi duoi dai trai phep hinh anh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 10/7, theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong tháng 6/2021, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xử phạt hành chính một đối tượng 10 triệu đồng cho hành vi nuôi nhốt trái phép một cá thể khỉ đuôi dài.

Trước đó, đối tượng này thường xuyên rao bán, quảng cáo nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm trên mạng xã hội.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách Chính sách và Pháp luật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều người dân vẫn coi khỉ là một loại thú cưng và thậm chí không ý thức được hành vi nuôi nhốt khỉ là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Do đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên hoan nghênh quyết định xử phạt của cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt và hy vọng các cơ quan chức năng trên cả nước sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các vi phạm về khỉ để góp phần răn đe, xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt, buôn bán khỉ bất hợp pháp."

Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tình trạng buôn bán, quảng cáo khỉ vẫn diễn ra tràn lan, đặc biệt là trên các hội nhóm, trang mạng xã hội. Số lượng khỉ bị nuôi nhốt trái phép tại các hộ dân, quán càphê, nhà hàng, khách sạn cũng rất phổ biến.

Cụ thể, từ năm 2010 đến hết năm 2020, cả nước đã có 2.962 vụ vi phạm liên quan đến khỉ; khoảng 80% trong số đó là các vụ việc buôn bán, nuôi nhốt trái phép liên quan đến 2.545 cá thể khỉ.

Tính riêng trong các vụ buôn bán, nuôi nhốt này, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận hoặc tịch thu 1.038 cá thể khỉ còn sống.

[22 năm tù cho hai đối tượng buôn bán tiêu bản rùa biển quý]

Những con số này không chỉ là gánh nặng rất lớn của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc xử lý mà còn là một thách thức cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên cả nước khi nhu cầu cứu hộ khỉ ngày một tăng cao.

Để nâng cao nhận thức của cộng động, chấm dứt hoạt động nuôi nhốt, buôn bán khỉ bất hợp pháp, từ năm 2020, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “Khỉ không phải thú cưng.”

Chiến dịch tập trung truyền tải những thông tin, hình ảnh giúp người dân hiểu rõ hơn về mức độ bảo vệ của pháp luật đối với loài khỉ, giảm thiểu nhu cầu nuôi nhốt khỉ làm thú cưng, đồng thời khuyến khích người dân thông báo vi phạm liên quan đến khỉ cho cơ quan chức năng hoặc Đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 18001522.

Phim ngắn truyền thông “Khỉ không phải thú cưng” tổng hợp những hình ảnh thương tâm của các cá thể khỉ trong những vụ việc có thực đã từng được thông báo đến Phòng bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên.

Việt Nam là nơi sinh sống của năm loài khỉ bao gồm: Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), khỉ vàng (Macaca mulatta), khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) và khỉ mốc (Macaca assamensis).

Cả 5 loài này đều là động vật hoang dã nằm trong Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc Nhóm IIB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Hành vi buôn bán, quảng cáo và nuôi nhốt bất cứ loài khỉ nào ở Việt Nam đều được coi là vi phạm pháp luật nếu không có giấy tờ hợp pháp.

Hành vi buôn bán, nuôi nhốt trái phép các loài này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 300 triệu đồng theo Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tùy thuộc vào giá trị tang vật bị tịch thu.

Hành vi quảng cáo bán khỉ trái quy định pháp luật cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1-1,5 triệu đồng theo Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP./.

Nguồn: Phạt 10 triệu đồng đối tượng nuôi nhốt cá thể khỉ đuôi dài trái phép | Pháp luật | Vietnam+ (VietnamPlus)